Love Telling ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho linh hồn Nhạc sỹ MICAE Nguyễn Văn Xuân được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng, vui vẻ vô cùng. Amen. dvtung nhắn với Gia đình TCVN: Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu - Xin cứu rỗi Linh hồn Micae Nguyễn Văn Xuân ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 17 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: Các Tước Hiệu của Đức Mẹ

  1. #1
    tom's Avatar

    Tham gia ngày: May 2008
    Bài gởi: 48
    Cám ơn
    8
    Được cám ơn 202 lần trong 41 bài viết

    Wink Các Tước Hiệu của Đức Mẹ

    Giới thiệu tổng quát các tước hiệu Mẹ Maria

    Tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc

    Chúa Kitô vừa là Chúa vừa là người như ta ngoại trừ tội lỗi. Là chúa sáng tạo vũ trụ, ban ân sủng cho nhân loại và các loài thụ tạo. Là người để mặc khải cho nhân loại biết về Thiên Chúa, được sinh ra trong cung lòng trinh nữ Maria.

    Là Mẹ Thiên Chúa qua ơn đặc biệt Chúa ban. Mẹ đã tự do ưng thuận Lk1:43; để trở thành Mẹ Thiên Chúa, trở thành gương mẫu đức tin Lk 1:43, 2: 27tt. Công đồng Ephêsô công bố điều này năm 431. Thánh Gioan gọi Mẹ là Eva thứ hai qua ân sủng Chúa ban và Mẹ hoàn toàn tự do đáp trả điều Chúa mời gọi. Xin vâng để cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại. Chương trình này bắt đầu từ Chúa vì chính Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ trở thành Mẹ Chúa Cứu Thế. Vì lí do này những thần học gia cổ võ cho long sùng kính Đức Mẹ đưa ra tước hiệu Đức Mẹ là đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Tước hiệu này cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ, còn đang trong vòng tranh luận. Hầu như nhiều thần học gia khắp nơi đặt câu hỏi về tước hiệu đó. Đối với họ thì một mình Chúa là Đấng duy nhất cứu chuộc nhân lọai, không có ai đồng công trong công việc cứu chuộc nhân loại. Mẹ Maria nhận lời sứ thần làm Mẹ Chúa Cứu Thế còn Mẹ có cùng với Chúa Giêsu để chứu chuộc nhân lọai không thì lại là vấn đề khác. Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại nhưng không đồng công cứu chuộc. Các tông đồ cũng cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa nhưng các tông đồ không ai có tước hiệu đồng công cứu chuộc. Simon là người vác thập giá giúp Chúa Giêsu, dù bị bắt buộc phải vác, nhưng Simon đã vác cũng không có tước hiệu đó. Nói Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ của Con Mẹ có lẽ gây ra ít tranh biện hơn. Nhưng nói đồng công cứu chuộc thì vấn đề hòan toàn khác. Lí do dễ hiểu Thiên Chúa là Chúa tể mọi lòai. Một mình Chúa ban ơn cứu độ nhân loại. Ngoài Chúa ra không có ai khác đồng công trong việc cứu chuộc, kể cả Mẹ Ngài. Vì yêu thương, vì quý trọng Thiên Chúa mời Mẹ cộng tác trong chương trình cứu độ của Chúa nhưng Chúa là Đấng duy nhất cứu chuộc nhân loại. Tương tự như trường hợp Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành những nhà truyền giáo. Không ai nghĩ là chúng ta đồng công truyền giáo. Chúng ta cộng tác vào cánh đồng truyền giáo của Chúa mà không nhận đồng công trong việc truyền giáo. Thực ra việc truyền giáo là việc làm của chúng ta. Thay đổi tâm hồn người đó để họ nhận biết Chúa, tôn thờ Chúa là việc làm của Chúa Thánh Thần tác động trên họ để họ quy phục Chúa. Công việc đó ngoài khả năng của con người. Vì lí do đó chúng ta không thể đồng công truyền giáo mà chỉ rao giảng Tin Mừng nước Chúa.

    Lập luận này các linh mục dòng Đồng Công không chấp nhận. Theo tinh thần Dòng thì Mẹ là đấng Đồng Công cứu chuộc. Ở đây tôi chỉ nêu lên hai luồng tư tưởng khác nhau trong việc hiểu chữ ‘đồng công’ và ‘cộng tác’ mà không bàn thảo đi sâu vào chi tiết vì ngoài khả năng. Hiện nay Giáo Hội chưa công nhận, chưa có lễ kính riêng trong lịch phụng vụ của Giáo Hội. Rất có thể trong tương lai có ngày kính riêng tước hiệu này khi Giáo Hội nhận thấy điều cần phải làm hay chính Mẹ mặc khải công khai như chính Mẹ hiện ra xác nhận tước hiệu Ta Là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Theo tôi biết không đâu mừng kính tước hiệu này ngoài các cha Dòng Đồng Công tổ chức kiệu trong ngày đại hội Thánh Mẫu.

    Tước hiệu Nữ Vương Vô Nhiễm Nguyên Tội

    Vị thế Mẹ trong lịch sử cứu độ của Chúa Kitô và đức tin trung tín thờ phượng Chúa liên quan chặt chẽ và hỗ trợ nhau. Nói cách khác đức tin mạnh mẽ và lòng trung tín thờ Chúa nơi Mẹ quả là có một không hai trên hoàn vũ. Do đó Mẹ được thánh hóa trở nên vẹn tuyền, trinh trong, không tì ố, kể cả tội nguyên tổ. Đức Piô9 công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Dù thuộc dòng dõi A dong như toàn thể nhân loại, Mẹ được ơn thánh hóa từ lúc thụ thai, qua đặc ân Chúa ban để trở nên trinh nữ vẹn toàn không mắc tội tổ tông. Cùng lí do trên Mẹ được Chúa ban ơn riêng và giữ gìn đặc biệt không vướng mắc các tội riêng. Không tì ố, không vết nhơ và thụ thai con một Chúa như ghi trong Thánh Kinh Mt 1:18tt, Lk 1:34-35.

    Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh thần, không bởi người nam. Vì không vướng tội nguyên tổ nên không đau đớn khi sanh con như lời chúc dữ trong Sáng Thế Kí 3:17. Mẹ tự nguyện hiến trọn cuộc đời để trở nên nữ tì Chúa 1Cor 7:25tt trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Giáo Hội tuyên xưng Mẹ là đức Nữ Trinh sau khi sanh Chúa cứu Thế và sau này còn tuyên xưng Mẹ trọn đời đồng trinh. Tước hiệu này có từ thế kỉ thứ ba và công đồng Constantinople tuyên bố năm 553.

    Tước hiệu Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời

    Danh từ anh em ghi trong Kinh thánh Lk 8:19; Mk 3:12 là anh em bà con Chúa Kitô, không phải anh em ruột sinh bởi mẹ Maria. Lịch sử ơn cứu độ viên mãn ngày Chúa về trời, thăng thiên. Giáo Hội tuyên xưng Mẹ là đấng trọn lành và lễ Đức Mẹ Linh Hồn và xác lên trời được long trọng công bố bởi đức giáo hoàng Pio 12 vào ngày 1.11.1950. Mẹ với vị thế đặc biệt, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và là vị thánh cả trong số các thánh trên thiên quốc. Điều đặc biệt nơi Mẹ là các tước hiệu Mẹ đều bắt nguồn từ lòng sùng kính nơi các tin hữu, từ đó Giáo Hội từ từ khám phá thêm về những tước hiệu đó và hàng trăm năm sau mới chính thức công bố. Về điểm này giáo dân đi trước Giáo Hội.

    Kinh thánh viết rất ít về Mẹ Lk 1-2; Mat 1-2; Jn2:1-2, 19:25-27; Mk 3:31-35 và Acts 1:14. Cha mẹ người là người thế nào ít ai biết, chỉ biết Mẹ thuộc dòng dõi Đa vít, có họ hàng với Zacharia và Elizabeth. Mẹ hứa hôn và cưới Giuse làm chồng, sống tại Nazareth. Sứ thần báo tin Mẹ cưu mang Chúa cứu thế tại Nazareth. Mẹ là người coi trọng lề luật: dâng con vào đền thờ, cho con trẻ chịu phép cắt bì theo luật dậy, đi hành hương, viếng đền thờ, sống cuộc đời đạm bạc, lao động kiếm sống như bao người khác và sẵn sàng thi hành ý Chúa không ngại gian lao, khốn khó. Suốt cuộc đời Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng Mẹ luôn thầm lặng như một phụ nữ bình thường trong xã hội. Phúc âm ghi lại mỗi lần Mẹ xuất hiện có đi liền với cuộc đời Con Mẹ: đứng dưới chân thập tự, âm thầm thăm mộ trống và cùng các tông đồ cầu nguyện. Không có gì đặc biệt ghi về Mẹ sau ngày Chúa về trời, kể cả cái chết của Mẹ cũng âm thầm đi vào quên lãng, không ai nhớ tới để ghi vào sử sách. Mặc dù không vướng tội nguyên tổ nhưng Mẹ cùng chung số phận với nhân loại. Cùng chết phỏng theo cái chết của Đức Kitô để tỏ rõ vinh quang của Chúa khi Ngài Phục Sinh từ cõi chết. Thân xác yếu hèn của Mẹ được kết hợp với thành quả cứu độ của Đức Kitô trên thập giá mà Mẹ ngay từ giây phút đầu có mặt, chứng kiến công trình cứu độ nhân loại của Chúa.

    Mẹ chiếm địa vị quan trong trong chương trình cứu độ của Chúa và các thánh nên Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ và được mọi thế hệ khen là có phúc.

    Mẹ Maria mẹ chúng sinh

    Cuộc sống chúng ta lệ thuộc vào anh chị em khác không phải bởi hoàn cảnh xã hội mà ngay cả cho cuộc sống tâm linh. Ngày nào đó tôi ra trước tòa Chúa phán xét, lúc đó một mình tôi trước mặt Chúa, diện đối diện, để trả lời về cuộc sống trần thế tôi sống ra sao, tôi đối xử với Chúa như thế nào và liên hệ với anh chị em tôi ra sao. Những việc lành phúc đức và những điên rồ trong cuộc sống tất cả đều phơi bày trước mắt. Tôi chỉ còn trông cậy vào lòng nhân từ và lượng hải hà Chúa ban và những lời khấn nguyện từ anh chị em tôi, những người còn tại thế cầu cho. Khi còn sống tôi cầu cho tôi nhưng khi đối diện trước mặt Chúa cơ hội tôi tự cầu cho tôi không còn nữa. Câu hỏi chắc chắn Chúa sẽ hỏi là tôi sống với anh chị em tôi ra sao trong ngày phán xét đó. Điều này cho thấy trong cộng đồng nhân loại mỗi người đều gánh trách nhiệm cho mình và cho các anh chị em khác về cả hai phương diện vật chất, lẫn tinh thần. Quan trọng hơn hết là phần tâm linh, lịch sử ân sủng và lịch sử ơn cứu độ. Mỗi người đều chia xẻ ân sủng và tội lỗi của chính mình và tội chung của toàn nhân loại. Chúa Kitô chết chung cho mọi người, không riêng cho một ai, và mời gọi mọi người cộng tác vào chương trình cứu độ chung của Chúa để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại.

    Khi chúng ta ca tụng Mẹ, chúng ta ca tụng loài thụ tạo do Chúa dựng nên trong đó bao gồm cả chúng ta cũng là loại thụ tạo, cũng do Chúa dựng nên. Đây chính là ý nghĩa câu Mẹ là Mẹ chúng sinh vì Mẹ được chọn giữa chúng sinh. Khi chúng ta kêu cầu nhờ Mẹ chuyển lời xin Chúa ban ơn để tái tạo hình ảnh nguyên thủy bị mất đi vì tội lỗi là hình ảnh Chúa được nhìn thấy nơi các anh chị em khác. Như thế chúng ta cầu nguyện không phải chỉ cho chính mình mà còn phải nhớ đến tất cả vì làm như thế là đẹp lòng Chúa, hợp ý Chúa và cùng cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại.

    Mối Liên kết trong Giáo Hội

    Giáo Hội dậy có sự liên kết mật thiết giữa con cái Chúa. Những người đang sống nơi trần thế được coi là Giáo Hội lữ hành trên đường về Nước Chúa. Giáo Hội đau khổ là những người đã ra đi trước chúng ta nhưng chưa hoàn toàn hưởng nhan thánh Chúa, còn đang trong thời kì tôi luyện để trở nên tốt hơn, sẵn sàng cho việc hưởng nhan thánh Chúa. Giáo Hội khải hoàn là các thánh đang hưởng phúc trong nước Chúa.

    Giáo Hội tin vào sự liên kết giữa Giáo Hội trần thế với các thánh trên thiên đàng và Giáo hội đau khổ đang thanh tẩy để được hưởng thánh nhan Chúa. Sự liên kết này rất cần thiết cho chúng ta và cho các linh hồn. Cần cho chúng ta vì các thánh cầu cùng Chúa cho chúng ta. Chúng ta cầu cho các linh hồn. Đây là sự liên kết nhiệm mầu trong Giáo Hội. Cũng nên nhớ khi nói Mẹ hay các thánh ban ơn qua việc ta cầu xin không phải là các ngài có ơn riêng để phân phát cho ta mà các ngài xin ơn Chúa cho ta qua lời cầu xin của ta. Nếu các ngài có ơn riêng để phân phát như thế trên thiên quốc vẫn còn giữ của riêng sao? Không phải thế. Tất cả mọi ơn thiêng, ân sủng đều thuộc về Chúa, trong Chúa và chỉ một mình Chúa có quyền ban phát nhiều ít cho ai tùy ý Chúa. Xin hiểu các thánh và Mẹ ban ơn là các ngài cầu thay cho ta trước tòa Chúa và chuyển lời cầu của ta đến trước tòa Chúa điều ta cầu xin.

    Đức tin

    Là quà tặng Chúa ban. Đức tin không phải là những gì tự tài trí hay sức riêng ta kiếm được. Giữ đức tin không phải là giữ 10 điều răn và các luật Hội thánh. Đức tin chính là liên kết cuộc sống trần thế với Thiên Chúa hằng sống qua ân sủng Chúa ban, qua ơn cứu độ, ơn tha thứ để được nên công chính hóa vì Danh Thánh Chúa. Nói rộng hơn đức tin chính là Thiên Chúa mặc khải cho con người biết về chính Thiên Chúa qua tình yêu Chúa. Trên phương diện con người đức tin chính là tình yêu ta đáp trả lời mời gọi của Chúa như hai tiếng xin vâng nơi Mẹ Maria. Tình yêu này được Chúa ban cho nhân loại. Tình yêu Chúa bao trùm cả tình yêu anh chị em khác vì thế chúng ta không thể yêu Chúa mà lơ là trong việc yêu thương anh chị em khác và cầu cho các linh hồn.

    Gương mẫu đức tin

    Khi nói về đức tin ta không giới hạn đức tin trong vòng nào đó mà là nói về toàn thể con người ta. Bao gồm toàn thể con người ta, như thân xác, tâm hồn, tâm trí, những liên hệ thân quyến, bạn bè và tất cả những gì ta có, thuộc về ta, kể cả ân sủng lẫn tội lỗi. Dâng toàn con người để Chúa thánh hóa. Nói như vậy không có nghĩa Chúa yêu tội của ta, không phải thế, Chúa yêu con người có tội nhưng không yêu tội của họ. Vì yêu người có tội nên khi ta dâng Chúa toàn vẹn con người, tình yêu Chúa thánh hóa con người đó qua ân sủng vừa rửa sạch tội lỗi vừa tăng sức mạnh chống trả các dịp tội. Tất cả đều dâng cho Chúa. Làm được như thế là ta yêu Chúa hết sức hết linh hồn, hết trí khôn. Mẹ Maria là gương mẫu đức tin trọn hảo nhất vì Mẹ dâng cho Chúa toàn thể con người Mẹ khi Mẹ tuyên xưng linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi nhảy mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi. Gương mẫu đức tin nơi Mẹ là xin vâng đón nhận ơn cứu độ nơi Chúa, là xin vâng dâng trọn cuộc đời cho Chúa để Chúa sử dụng theo tôn ý hầu mang ơn cứu độ cho nhân loại. Xin vâng đón nhận Chúa để ân sủng Chúa thánh hóa, trong sạch hóa con người toàn diện xứng đáng nơi con Chúa Giáng trần. Nơi mẹ có đầy đủ điều kiện cần thiết của gương mẫu đức tin. Mẹ là đấng quý phái nhất trong số những người quý phái và muôn đời sau sẽ khen Mẹ là đấng có phúc vì Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những điều trọng đại và đặt Mẹ lên hàng cao trọng nhất trong số các thánh trên thiên quốc bởi vì trong Mẹ người ta nhận thấy rõ ràng nhất ân sủng Chúa ban, ơn cứu độ khi cưu mang đấng Cứu thế và là mẹ Giáo Hội, hiền thê Đức Kitô. Mẹ chính là Evà thứ hai. Mẹ là loài thụ tạo nên Mẹ hiểu và thông cảm cuộc sống của nhân loại nên Mẹ là đấng bầu cử cho ta trước tòa Chúa Giêsu con mẹ. Chúng ta có đấng trung gian duy nhất đó chính là Chúa Giêsu. Người không phải là loài thụ tạo nhưng ngài được sinh ra, sống trong thế gian, thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống. Chúa Giêsu là đấng trung gian cho ta trước tòa Đức Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu cầu nguyện điều đó: lạy Cha, xin cho chúng được nên một như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con. Con không cầu cho thế gian nhưng cầu cho chúng và Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con, Gioan 17:9. Như thế chúng ta nên cẩn trọng khi nói Mẹ là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người là chính Con một Chúa là Đức Giêsu. Mẹ là đấng trung gian giữa Chúa Giêsu và loài người.

    Mẹ Maria cũng nhận ân sủng nơi Chúa như chúng ta nhận ân sủng Chúa, Mẹ cũng nhận tình thương Chúa như chúng ta. Chúng ta nhận ơn Chúa ban để trở nên tốt lành hơn, thánh thiện hơn, tiến hơn trên đàng nhân đức để trở nên trọn lành. Tuy nhiên chúng ta không đạt được điều trọn lành như Mẹ đã đạt được bởi vì Chúa ban cho Mẹ ơn đặc biệt. Tại sao Chúa làm thế ta không biết và cũng không hiểu. Ơn Chúa ban cho ai Chúa có toàn quyền xử dụng. Dụ ngôn thuê thợ gặt là điển hình.

    Vô Nhiễm nguyên tội

    Giáo Hội tuyên xưng Mẹ là đấng Vô Nhiễm Nguyên tội do ơn đặc biệt Chúa ban ngay khi Mẹ còn trong lòng mẹ từ lúc thụ thai. Điều này không chứng minh được nhưng được suy luận vì ơn cao trọng này ban cho Mẹ như là việc Chúa chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế giáng trần. Điều này hoàn toàn do Thánh ý Chúa định đoạt, chọn lựa ai là người Ngài chọn, con người hoàn toàn không có tiếng nói trong công trình cứu chuộc, con người cũng không có tài sức thực hiện hay hiểu rõ việc chọn lựa của Chúa. Con người cũng không có quyền phàn nàn tại sao chọn người này bỏ người kia. Đây hoàn toàn do tôn ý và chúng ta biết xin vâng như chính Mẹ đã xin vâng.

    Một đời kiếm tìm

    Đức Pio 9 năm 1854 long trọng tuyên bố tín điều Vô Nhiễm. Khi một người được thụ thai Chúa ban cho họ ơn gọi và ơn này được thể hiện trong cuộc sống tín hữu sau này. Ơn này Chúa ban mà ta không có quyền chọn lựa. Sau này lớn lên ta có thể từ chối đáp trả lời Chúa mời gọi hoặc cộng tác để tìm kiếm hiểu rõ Chúa mời gọi ta làm gì. Làm sao để biết ý Chúa muốn ta làm gì ? Vấn nạn này là một sự tìm kiếm suốt đời ta. Vì không biết rõ Chúa muốn ta làm gì nên lúc nào ta cũng trung thành sẵn sàng xin vâng để làm điều Chúa muốn. Mẹ cũng đâu có chắc trước ngày truyền tin và ngay cả sau ngày truyền tin Mẹ cũng đâu có thấu hiểu. Phúc Âm ghi lại Mẹ ghi nhớ những lời đó và suy gẫm trong lòng. Điều chắc là Chúa không gọi ta vào đời để không làm gì cả. Chúa gọi ta với mục đích riêng và mục đích này do chính ta tìm kiếm qua cầu nguyện, đọc Kinh thánh vừa để liên kết với Chúa chặt chẽ hơn vừa tìm ân sủng Chúa hầu giúp ta hoàn thành sứ mạng Chúa tin trao ban.

    Cầu nguyện nói lên niềm tin, không thể nào tuyên xưng vào Chúa mà thiếu cầu nguyện. Càng cầu nguyện nhiều, càng liên kết chặt với Chúa ơn gọi càng rõ, càng theo ý riêng ơn gọi càng lu mờ vì tội làm mờ con mắt đức tin nên con người sống trong triền miên nghi vấn ý nghĩa cuộc đời, đôi khi mất hẳn ý nghĩa cuộc đời, cho đời là vô nghĩa.

    Vô nhiễm nguyên tội còn có nghĩa là Thiên Chúa che chở nhân loại bằng tình yêu cứu độ do lòng luân tuất vô biên Chúa. Ân sủng Chúa vượt xa tội lỗi con người phạm. Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa và qua hình ảnh đó Chúa nhập thế đến với con người. Theo nghĩa trên thì vô nhiễm nguyên tội là do đặc ân Chúa ban cho nhân loại Mẹ Maria đại diện nhân loại lãnh nhận đặc ân đó.

    Ý nghĩa khác của vô nhiễm nguyên tội là Thiên Chúa che chở con người qua sự trung tín của chính Chúa. Ngay từ khi tạo dựng con người Chúa ban ân sủng dồi dào và ân sủng này được ban vào ngày cùng tận. Mẹ đại diện nhân loại, Mẹ hiểu được những gì Chúa ban cho Mẹ và chúng ta là con Mẹ cũng được thông phần hiểu biết những điều Chúa kí thác nơi Mẹ. Tội lỗi, tính ích kỉ do cá nhân chủ nghĩa và tư lợi như làn sương che phủ mắt đức tin khiến ta không nhận ra ơn trên. Ơn Chúa chỉ có thể nhận diện qua con mắt đức tin và do đức tin mà ta nhận biết Chúa.

    Mẹ đầy ơn phước

    Danh từ ân sủng Chúa bao hàm một ý nghĩa vô cùng rộng lớn. Ân sủng chính là sự sáng, là tình yêu, là sức mạnh soi thấu tâm hồn. Ân sủng cũng có nghĩa là tự do, là thông hiểu ơn cứu độ, ơn nhận biết Chúa Thánh linh, ơn làm nghĩa tử và được gia nhập thiên quốc. Mẹ Maria cũng nhận những ơn trên như chúng ta. Điều khác biệt là Mẹ nhận ơn này ngay khi được thụ thai để trở thành vô nhiễm. Chúng ta nhận các ơn này trong ngày lãnh bí tích rửa tội, trong bí tích thêm Sức, trong bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Trong ngày đó chúng ta được thánh hiến, giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, được ghi ấn tín đức tin, trở thành đền thờ Chúa Thánh Thần và gia nhập vào thân thể mầu nhiệm Đức Kitô. Chúng ta cũng được xức dầu thánh, nhận hào quang vinh hiển Con Chúa mang lại và tràn đầy ánh sáng và sự sống của Thiên Chúa. Trong ngày lãnh nhận bí tích thêm sức chúng ta cũng được sai đi, mang ánh sáng Chúa chiếu soi muôn dân, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, mang tình yêu đến chốn hận thù.

    Mẹ Thiên Chúa

    Giáo Hội không biết Mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa cho đến ngày sứ thần truyền tin. Tín điều sanh bởi đức nữ đồng trinh được công đồng Ephêsô công bố năm 431. Thánh Luca nhấn mạnh việc Mẹ xin vâng qua đức tin. Xin vâng theo ý Chúa để trở thành đấng được chúc phúc hơn mọi người nữ. Lời xin vâng hoàn toàn tự do, riêng Mẹ quyết định khi nghe lời sứ thần truyền. Xin vâng theo ý Chúa chỉ có thể được thực hiện qua đức tin mạnh mẽ nơi Chúa.

    Thiên Chúa sáng tạo

    Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và mọi tạo vật trong đó. Hai điều có thể xảy ra. Một là vũ trụ này hoàn toàn độc lập với Chúa, hòan toàn chối bỏ sự hiện hữu của Chúa. Hai là vũ trụ hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng tạo nên nó. Trong trường hợp thứ hai vũ trụ chứa đựng mục đích đấng sáng lập nên nó. Mục đích đó là ý nghĩa sâu thẳm của công trình sáng tạo nơi Thiên Chúa. Ý nghĩa trên chúng ta không hiểu. Tại sao Chúa tạo vũ trụ và tạo con người để rồi con người làm phản, rồi phải xuống cứu chúng. Ta chỉ biết Chúa tạo dựng và Chúa thấy mọi sự tốt đẹp như ghi trong sáng Thế kí. Rất có thể Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vì là Đấng sáng tạo nên Ngài không ngừng sáng tạo. Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa. Con người toàn quyền xử dụng tự do Chúa ban để: hoặc chối bỏ sự hiện hữu của Chúa hoặc chấp nhận thuộc về Đấng tác tạo nên ta. Sự lựa chọn của ta nơi trần thế đưa đến kết quả trong ngày cùng tận vì chọn lựa lối sống qua điều mình tin chính là để điều mình chọn hướng dẫn cuộc sống.

    Đức tin con cứu con

    Tin làm sao thì sống làm vậy và sống làm sao thì hậu quả xảy ra như vậy. Thành quả cuối cùng là điều ta phải chấp nhận, không còn chối cãi hay có thì giờ để thay đổi thành quả ta đã chọn, đã đi qua. Điều chắc chắn là Chúa yêu loài người và ngài nhìn thấy những gì Ngài tạo nên là tốt đẹp nên Ngài sai con một xuống thế chuộc lại điều tốt đẹp bị tàn phá bởi tội. Hãy nhớ lại trong sách Thứ luật 3:19 ghi Thiên Chúa đặt con người trong việc chọn lựa giữa sự sống và sự chết, giữa ân sủng và chúc dữ để con người tự do chọn lựa giữa thiện và ác, sự lành và sự dữ. Chọn sống hay chọn chết hoàn toàn do con người tự chọn.

    Xuống thế trong lòng trinh nữ khi Mẹ quỳ xuống nhận sứ điệp nơi sứ thần Gabriel. Hai tiếng xin vâng phát xuất từ con tim chân thành, vâng trong tự do, không điều kiện và ngay cả không hiểu rõ nói lên tâm tình tín thác của Mẹ nơi Chúa. Mẹ đại diện tạo vật của Chúa xin vâng phục thiên ý.

    Mẹ Từ Bi

    Đức Kitô gánh tội trần gian, chịu đau khổ, chịu chết thay cho nhân loại. Mẹ mặc dù không vướng tội tông truyền không phải đau khổ nhưng Mẹ muốn thông phần đau khổ với nhân loại Mẹ cũng đau khổ như chúng ta, chịu đau đớn, thương nhớ như chúng ta. Kinh thánh ghi lại những điều đó khi Mẹ nói cùng ấu Chúa. Con có biết cha con và mẹ đau khổ tìm con 3 ngày qua. Tước hiệu Mẹ Sầu Bi nói lên tâm tình tự nguyện đau khổ nơi Mẹ.

    Mẹ Đồng Trinh

    Vì là vô nhiễm nên không chung hoàn cảnh như nhân loại. Hơn nữa là Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu đồng trinh do chính Mẹ tình nguyện cuộc sống trinh tiết. Khi sứ thần báo tin để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Chính Mẹ đã thắc mắc việc đó làm sao thực hiện được vì tôi không biết đến người nam. Thứ đến Kinh Thánh mỗi khi cần nhắc Mẹ đồng trinh luôn kèm thêm câu Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Không cần xác định Mẹ đồng trinh khi nào. Từ khi được gọi vào đời hay từ khi thưa xin vâng làm Mẹ Thiên Chúa. Điều chắc chắn Mẹ đồng trinh vì ơn gọi của Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Con Thiên Chúa không đến trong thế gian do ý muốn xác thịt của người trần thế. Con Thiên Chúa đến trong thế gian hoàn toàn tùy thuộc ý muốn Chúa Cha. Khi nào, bằng cách nào hoàn toàn do sự khôn ngoan, thông thái trong chương trình cứu chuộc Chúa Cha định liệu. Do đó con Thiên Chúa không có người cha trần thế. Thánh Giuse là cha nuôi, không phải cha ruột và bản tính loài người nơi đức Kitô hoàn toàn do thánh ý Chúa Cha. Mẹ cưu mang con Chúa hoàn toàn không phải do động tác của con người mà là do thánh ý Chúa Cha. Mẹ trọn đời đồng trinh và con Thiên Chúa cả hai đều do thánh ý Chúa Cha. Câu trọn đời đồng trinh nhắm xác quyết Mẹ là Đấng đồng trinh ngay cả sau khi sanh Chúa Cứu Thế. Điều này bao gồm hai giai đoạn trong đời Mẹ đó là trước và sau khi sinh Chúa cứu thế.

    Trước sau như một

    Ý của Thiên Chúa vượt qua trí hiểu con người và ý của Chúa không lệ thuộc vào lí luận hợp lí của con người. Cuộc đời Mẹ tóm gọn trong một câu đơn giản là tự nguyện xin vâng thực hiện ý Chúa. Vâng phục để làm tròn ơn gọi. Chính ơn gọi cực trọng này đủ để Mẹ trở thành Mẹ đồng trinh. Mẹ đồng trinh trước khi chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần vì ơn Mẹ nhận trước khi thụ thai và ơn nhận sau khi sanh con cùng một ơn. Ơn Chúa không thay đổi và chính ơn cao trọng đó mà Mẹ trở thành đồng trinh ngay cả sau khi sanh. Mẹ trở thành gương mẫu đồng trinh trong Giáo Hội. Ơn đồng trinh nơi Mẹ dậy ta tâm tình chấp nhận ý Chúa, sẵn sàng để ơn Chúa thay đổi, hướng dẫn đời ta.

    Đầu thế kỉ thứ hai người ta có bàn thảo cặn kẽ việc Mẹ còn đồng trinh sau khi sanh ấu Chúa. Tuy nhiên việc bàn thảo đặt trọng tâm vào điều căn bản của tín điều sau này là Đức Kitô có thực sự sanh bởi Đức Nữ đồng trinh hay không mà không đặt nặng vấn đề còn đồng trinh hay không sau khi sinh con. Các nhà thần học đặt trong tâm vào câu hỏi thần học về những ích lợi phần rỗi cho loài người hơn là chú trọng vào cơ thể học. Điểm chung tất cả đều đồng ý trong các cuộc tranh luận là đức Kitô sinh ra là một mầu nhiệm và Chúa xuống thế làm người qua cung lòng trinh nữ Maria.

    Một vài học thuyết

    Đến đầu thế kỉ thứ 7 Giáo Hội hoàn vũ tuyên xưng Mẹ là đức nữ trinh trọn đời. Nestorius không từ chối Mẹ đồng trinh nhưng xoay chiều cuộc tranh luận. Theo ông thì Mẹ là Mẹ Đức Kitô, không phải Mẹ Thiên Chúa. Ông lập luận loài người không thể và không đủ khả năng chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa nên chỉ có thể làm Mẹ Đức Kitô mà thôi. Đức Kitô trong trường hợp này không là Chúa, là loài thụ tạo được Chúa Cha nâng lên ngang hàng. Nestori us ảnh hưởng bởi Anastasius ông này cho là mẹ Maria là loài thụ tạo nên không thể nào có thể mang thai Con Chúa được. Công đồng Ephêsô 431 bác bỏ điều hai ông dậy và tuyên xưng như những gì chúng ta tin ngày nay. Cũng trong thời gian này tín điều đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời thành hình. Lễ kính này không có căn bản trong Kinh thánh nhưng qua suy luận. Đức Kitô Cứu Thế đã lo lắng cho Mẹ trên thập giá Ngài giao công việc coi sóc Mẹ trong tay Gioan. Tình mẫu tử thâm sâu chắc Chúa không nỡ để thân xác Mẹ phải hư mất thưởng về trời trước ngày đã định. Khoảng giữa thế kỉ thứ 7 bốn lễ kính Mẹ được mừng hàng năm đó là: lễ Truyền Tin, Dâng Con vào đền thờ, Linh Hồn và Xác Lên Trời và lễ Vô Nhiễm. Đầu thế kỉ thứ 8 giới đi thuyền cầu xin mẹ cho thoát khỏi phong ba nên có thêm tước hiệu Mẹ là Ngôi Sao Sáng soi lối cho con lúc vượt biển thế gian.

    Thánh Bernard Clairvaux năm 1153 tin là Mẹ có quyền thế trước ngai con Mẹ nên lời bầu cử của Mẹ có thần thế. Mẹ được coi như là Đấng cầu bầu trước tòa Chúa Giêsu Con Mẹ. Bernard dùng hình ảnh máng thông ơn diễn tả ơn Mẹ xin cùng Chúa. Nhóm khác dùng hình ảnh cổ nối liền đầu với các chi thể. Chúa Kitô là đầu Giáo Hội và chúng ta là chi thể. Mẹ đứng giữa như cần cổ làm trung gian giữa đầu và chi thể. Bernard có lòng sùng kính Mẹ cách riêng nhưng ông không tin Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Theo ông thì đã là loài thụ tạo thì không thể nào thoát khỏi tội tông truyền, không có luật trừ cho bất cứ ai, kể cả mẹ Chúa. Tục truyền khi chết ông mặc áo trắng hiện về, áo đó có một chấm đen chỉ điều sai lầm của Bernard.

    Chuỗi môi khôi đã được dùng trước đó nhiều năm nhưng mãi đến lúc này mới được cổ võ rộng rãi trong Giáo Hội và ngày thứ bảy là ngày dành riêng để kính Mẹ có trong thời này. Các bài thánh ca và kinh cầu đức bà cũng được viết trong thế kỉ này. Chuỗi môi khôi thay thế 150 thánh vịnh và có tên là chuỗi rosa là do tiếng Latinh Rosa Mystica được dịch là mầu nhiệm rosa. Kinh truyền tin cũng xuất hiện trong thời gian này. Có thể nói hầu hết các sáng tác trong phụng vụ từ giữa thế kỉ thứ 7 đến đầu thế kỉ thứ 8 đặt trọng tâm vào việc sùng kính và cổ võ lòng tôn sùng đức trinh nữ. Briget of Sweden năm 1373 Mẹ hiện ra xác nhận Mẹ là đấng Vô Nhiễm. Năm 1862 Mẹ hiện ra với Bernadette xác nhận Mẹ là đấng Vô Nhiễm và năm 1917 hiện ra tại Fatima xác nhận tước hiệu mẹ Mân Côi. Như thế chính Mẹ xác nhận những gì Giáo Hội đã công bố dù không tìm được căn bản trên Kinh Thánh nhưng qua cầu nguyện, linh ứng, hướng dẫn mặc khải của Chúa Thánh Thần để xác định những tín điều Giáo Hội dậy là đúng sự thật.

    Luther trong thời gian li khai khỏi Giáo Hội cũng có lòng sùng kính Mẹ. Ông tuyên xưng Mẹ là gương mẫu đức tin nhưng không tin là Mẹ và triều thần thiên quốc có thể cầu cho ta trước tòa Chúa vì tất cả mọi ơn ta nhận được đến từ Chúa và chỉ mình Ngài ban ơn. Đến thời Calvin và Zuingli các ông này lơ là việc cổ võ lòng sùng kính Mẹ và dần dần đi đến chỗ từ chối vai trò của Mẹ trong chương trình cứu chuộc của Chúa.

    Năm 1716 Monfort gây lại phong trào sùng kính Mẹ trong phụng vụ ông viết nếu ta trực tiếp đến với Chúa thì Chúa nhìn thấy lòng ích kỉ của ta trong khi qua Mẹ chuyển cầu Chúa sẽ ban ơn vì Mẹ có lòng bao dung che chở cho các con. Nhiều người hiểu lầm điều Monfort viết và đi xa hơn trong việc tuyên bố Mẹ có thể ra lệnh trên thiên quốc mà Chúa và các thánh phải lắng nghe vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nên Chúa không thể từ chối lời Mẹ xin. Điều sai lầm này được đức thánh cha Benedict 14 năm 1758 ra thông tu sửa sai giáo điều trên. Công đồng Vaticanô hai không dậy thêm về những gì các công đồng trước đã dậy nhưng tái xác nhận những tín điều các công đồng trước đã dậy. Mẹ là mẹ Thiên Chúa, đấng ban ơn cứu độ. Mặc dù Mẹ là con cháu A dong như chúng ta, là loại thụ tạo nhưng vượt lên trên mọi loài thụ tạo do Chúa dựng nên. Mẹ thông hiểu những nhu cầu của ta, những khó khăn và cám dỗ trong cuộc sống. Mẹ là mẹ Giáo Hội, là gương mẫu đức tin, đức cậy, đức ái và liên kết chặt chẽ với Chúa qua đức tin. Mẹ được Chúa thưởng về trời và đây cũng là niềm hy vọng của chúng ta cũng được về trời.

    Đức thánh cha Gioan Phaolô đệ nhị khuyến khích việc đối thoại với các tôn giáo bạn về vai trò Đức Mẹ trong việc sùng kính Mẹ. Thiên Chúa giáo và Anh giáo đã đi được nhiều bước tiến đáng kể trong việc tôn kính thánh mẫu. Như công bố về việc Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đầy ơn Phúc, Mẹ niềm cậy trông và ngay cả tín điều Mẹ Đồng Trinh. Càng ngày càng có nhiều đồng ý giữa Anh Giáo và Thiên Chúa giáo về những tín điều Giáo Hội dậy về Mẹ. Ngăn cách ngày càng thu ngắn lại.

    Về điểm Mẹ có quyền thế trước mặt Chúa. Chúng ta nhớ kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có những đoạn như sau:

    Lậy Mẹ hằng cứu giúp con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ thì con được thỏa là dường nào. Nhìn đến bức chân dung tốt lành của Mẹ thì linh hồn con thêm lòng trông cậy vững vàng, khác nào con thảo đối với Mẹ lành vậy. Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc loài người và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ. Người là Đấng phép tác vô cùng là Chúa tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành và Mẹ là Mẹ Người vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người cùng đủ quyền buộc Người phải ưng thuận lời Mẹ, Người đã xưng thật Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì mà lại ước ao muốn nghe lời Mẹ xin vậy lậy Mẹ Chúa Giêsu lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế nên con giám nài xin Mẹ ơn này ban cho con như ý con xin. Con hết lòng cầu xin và trông cậy vững vàng. Mẹ sẽ chuyển cầu cho con.

    Có hai điều nên cẩn thận khi cầu xin. Câu thứ nhất là ‘Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người cùng đủ quyền buộc Người phải ưng thuận lời Mẹ’. Câu thứ hai là câu: ‘Ban cho con như ý con xin’.

    Mẹ có uy tín trước mặt Chúa, được Chúa đem hết lòng yêu mến. Chúa là Đấng phép tác vô cùng, là Chúa tể cầm quyền sinh tử là Đấng ban phát mọi ơn lành. Ngoài Chúa Cha không ai có quyền buộc Chúa phải vâng Lời. Thực ra Chúa Giêsu chưa làm gì trái ý Chúa Cha. Ngay cả khi trên vườn Giệt Chúa Giêsu không muốn chén đắng Cha trao. Chúa Giêsu cầu nguyện: Lậy Cha, nếu được xin cất chén này khỏi Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi. Phúc âm thánh Gioan nhiều lần Chúa Giêsu nói rõ: Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà làm theo ý Chúa Cha. Chúa Con không tự làm một mình nhưng luôn làm theo ý Chúa Cha. Gioan 5,19; 8,28. Không ai đến được với Ta trừ khi Chúa Cha sai đi 6,44.

    Xét thế Chúa Giêsu luôn trung thành và đặt ý Chúa Cha trên ý Chúa Con và Chúa Con luôn vâng lời Chúa Cha. Phúc Âm xác định rõ ràng Đấng duy nhất Chúa Giesu vâng lời là Chúa Cha. Chúa Giêsu không theo ý riêng mình nhưng luôn nghe theo ý Chúa Cha.

    Điểm thứ hai xin: ‘ban cho con theo ý con xin’. Câu này cũng cần bàn thảo cho rõ nghĩa hơn. Không phải tất cả những điều ta xin đều đẹp lòng Chúa cả đâu. Có nhiều điều ta xin chỉ có lợi riêng cho cá nhân hoặc cho gia đình riêng. Điều xin đó tốt lành, không có gì sai trái. Theo tinh thần Chúa Giêsu dậy các tông đồ cầu nguyện thì tất cả những điều xin đều không dính bén gì đến việc xin cho ý riêng. Kinh lậy Cha dậy xin cho ý Cha thể hiện ở dưới đất cũng như trên trời. Xin cho bánh ăn hàng ngày, xin tha nợ, xin chớ để sa chước cám dỗ. Cuộc đời của Chúa Giêsu là trọn đời sống và làm theo ý Chúa Cha. Cuộc đời của Mẹ Maria là sống và xin vâng theo ý Chúa. Như thế câu ‘ban cho con theo ý con xin’ cần để ý mội khi chúng ta xin xem ý đó có hợp với ý Chúa không. Xin theo ý Chúa Giêsu sẽ là ‘xin cho con sống theo ý Chúa’.

    Tôi không có bản kinh bằng tiếng gốc nguyên thủy nên không biết có lầm lẫn trong việc dịch thuật chăng. Tôi cũng không dám đề nghị sửa kinh. Kinh này do các cha dòng Chúa cứu thế viết và cha bề trên cả của dòng có thẩm quyền trong việc đó. Tôi chỉ nêu lên một ý thô thiển để khi chúng ta đọc kinh đó chúng ta nhớ làm thế nào để cho ý Chúa trên ý riêng.

    Lm Vũ Đình Tường

    VietCatholic News
    Chữ ký của tom
    ĐỪNG TRUNG THÀNH VỚI NHỮNG GÌ MÌNH ĐÃ TRUNG THÀNH

  2. Có 8 người cám ơn tom vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com