Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh: https://s.net.vn/ur17

“Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”.


“Hãy coi Thánh Kinh như một bản đồ chính xác tuyệt đối. Nó cho bạn biết cách đi đến một điểm nhất định. Nhưng nếu chỉ nhìn bản đồ, bạn không thể biết Arizona, Anh quốc hoặc Peru. Để đến được đó, khám phá nó, bạn phải trả chi phí, dành thời gian cho việc di chuyển, ở lại; đồng thời, phải nóng lòng vì nó, khát khao nó!” - Charles Swindoll.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng ‘Khát khao’ của Charles Swindoll đưa chúng ta về toàn bộ con người của Chúa Giêsu mà thánh sử Gioan đã tài tình tóm tắt trong ‘câu kết thúc’ Phúc Âm của mình, “Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Đây là một câu nói không thường xuyên được nghe, nhưng là một câu nói tiết lộ một số hiểu biết rất thiết thực!

Trước hết, các Phúc Âm không bao giờ cung cấp ‘đủ’ kiến thức về Chúa Giêsu và các mầu nhiệm Thiên Chúa; vì lý do đó, chúng ta cần ‘khát khao’ hiểu biết Ngài nhiều hơn! Tất cả những gì chúng ta biết về Ngài đều có trong Phúc Âm. Đúng! Nhưng với chỉ bốn cuốn vắn gọn, làm sao chúng có thể mô tả toàn bộ con người huyền nhiệm của Ngài? Đó là điều không thể! Thực tế, chúng ta chỉ biết ‘một phần rất nhỏ’ về cuộc đời thực sự của Ngài. Và điều này đã là tuyệt vời! Nhưng bên cạnh đó, ‘còn rất nhiều điều’ chúng ta chưa biết! Nhận thức này sẽ lấp đầy tâm trí chúng ta bằng những khắc khoải, ‘khát khao’ và ước muốn nhiều hơn. Ý thức sự ít ỏi trong việc hiểu biết này đòi buộc chúng ta phải tìm kiếm và học biết Chúa Giêsu nhiều hơn, và nhiều hơn nữa mỗi ngày!

Cái nhìn thứ hai sâu sắc hơn là, mặc dù vô số sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu không thể chứa đựng trong vô vàn cuốn sách; nhưng bạn vẫn có thể khám phá Ngài, gặp Ngài, nghe Ngài trong Thánh Kinh, Thánh Thể! Ngài sẽ ban tất cả những gì chúng ta cần! Điều chúng ta cần, là một kiến thức ‘ngày càng đào sâu hơn’ trong cầu nguyện, chiêm ngắm, trong việc sống Lời Ngài để ngày càng nên giống Ngài. Đồng thời, với Thánh Thần, chúng ta tiếp tục công việc của Ngài với tư cách một chứng nhân. Phaolô đã ‘khát khao’ Ngài - “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô!” - đã chu toàn trách vụ chứng nhân đó, “Suốt hai năm tròn, Phaolô ở tại nhà đã thuê, tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Và cho dù cả thế giới có thể chứa hết các sách viết về Chúa Giêsu thì - một câu hỏi thú vị - bạn biết Ngài sâu sắc đến chừng nào? Điều quan trọng là bạn có dành đủ thời gian để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm những gì đã đọc? Quan trọng hơn, Lời Chúa có tạo nên một sự khác biệt nào nơi bạn? Nghĩa là, bạn có sống Lời Chúa, có để Lời Chúa biến đổi không? Đó là những câu hỏi vô cùng quan trọng! Ước gì, chúng ta ngày càng yêu mến Lời Chúa; ý thức sự cần thiết được hiện diện thường xuyên hơn với Chúa, ở lại lâu hơn với Ngài, nghĩa là ‘khát khao’ Ngài! Không được như thế, bạn và tôi khác nào một người cầm tấm bản đồ trên tay mà chẳng đi đến đâu cả!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con bồn chồn, ‘khát khao’ một điều gì khác ngoài Chúa! Và quan trọng hơn, biết kinh ngạc khi nhận ra rằng, Chúa cũng đang rất ‘khao khát’ con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)