|
Trưa Chúa Nhật ngày 18/09, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. ĐTC có bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật XXV thường niên.
Bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Dụ ngôn của Tin Mừng Phụng vụ hôm nay (x. Lc 16, 1-13) cho chúng ta thấy hơi khó hiểu. Chúa Giê-su kể một câu chuyện về hối lộ: một quản gia không trung thực, người ăn cắp và sau đó bị chủ phát hiện, anh ta đã hành động gian xảo để thoát khỏi tình trạng đó. Chúng ta tự hỏi: sự gian xảo này, một sự tham nhũng, nằm ở đâu? Và Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta điều gì?
Khôn khéo theo Tin Mừng: tỉnh thức để phân định
Từ câu chuyện, chúng ta thấy rằng người quản gia này vướn phải rắc rối vì anh ta đã lợi dụng tài sản của chủ mình; bây giờ anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ mất việc. Nhưng anh ta không bỏ cuộc, không cam chịu số phận và không ăn vạ; ngược lại, anh ta ngay lập tức hành động cách khôn khéo, tìm cách giải quyết cách tháo vát. Chúa Giê-su lấy một gợi ý từ câu chuyện này để khơi lên cho chúng ta một suy nghĩ đầu tiên, Người nói: “con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (câu 8). Nghĩa là, ai di chuyển trong bóng tối, theo những cách hiểu nhất định của thế gian, đều biết cách băng qua được, ngay cả giữa những rắc rối, biết khôn lanh hơn những người khác; ngược lại, các môn đệ của Chúa Giêsu, tức chúng ta, đôi khi chúng ta đang ngủ, hoặc ngây thơ, chúng ta không có sáng kiến để tìm cách thoát ra khỏi những khó khăn (x. Evangelii gaudium, 24). Tôi đang nghĩ đến những thời điểm khủng hoảng cá nhân, xã hội, và cả giáo hội: đôi khi chúng ta để cho mình bị khuất phục bởi sự chán nản, hoặc chúng ta rơi vào tình trạng phàn nàn và nhận mình là nạn nhân. Ngược lại - Chúa Giê-su nói – người ta cũng có thể khôn khéo theo Tin Mừng, tỉnh thức và chú ý để phân định thực tại, sáng tạo để tìm kiếm những giải pháp tốt, cho chúng ta và cho người khác.
Dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè
Nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta một giáo huấn khác. Thực tế, sự gian xảo của người quản gia còn gồm điều gì nữa? Anh ta quyết định cắt giảm cho những người mắc nợ chủ mình, và nhờ đó anh ta kết bạn với họ, hy vọng họ có thể giúp anh khi ông chủ loại anh ra. Anh đã từng tích lũy của cải cho bản thân, bây giờ anh dùng chúng để kết bạn, những người có thể giúp đỡ anh trong tương lai. Anh làm cùng một cách: ăn trộm, đúng không? Như vậy, Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta một lời dạy về việc sử dụng của cải: “hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (câu 9). Để thừa hưởng sự sống vĩnh cửu, nghĩa là không cần phải tích lũy tài sản của thế gian này, nhưng điều cần là lòng bác ái mà chúng ta sống trong các mối quan hệ huynh đệ của chúng ta. Đây là lời mời gọi của Chúa Giê-su: đừng sử dụng của cải thế gian này chỉ cho bản thân và cho sự ích kỷ của mình, nhưng hãy sử dụng chúng để tạo ra tình bạn, tạo mối quan hệ tốt, hành động bác ái, thúc đẩy tình huynh đệ và chăm sóc những người yếu đuối nhất.
Anh chị em thân mến, ngay cả trong thế giới ngày nay cũng có những câu chuyện tham nhũng như trong bài Tin Mừng; hành xử thiếu trung thực, chính sách không công bằng, tính ích kỷ chi phối sự lựa chọn của các cá nhân và thể chế, và nhiều tình huống lờ mờ khác. Nhưng chúng ta, những Kitô hữu không được phép nản lòng, hoặc tệ hơn nữa là bỏ qua hoặc thờ ơ. Ngược lại, chúng ta được mời gọi sáng tạo trong việc làm điều thiện, với sự khôn ngoan và khôn khéo của Tin Mừng, sử dụng của cải của thế gian này - không chỉ là của cải vật chất, mà là tất cả những món quà mà chúng ta đã nhận được từ Chúa - không phải để làm giàu cho bản thân, nhưng để tạo ra tình yêu huynh đệ và tình bạn xã hội. Điều này rất quan trọng: với thái độ của chúng ta, tạo ra tình bạn xã hội.
Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta trở nên giống như Mẹ nghèo trong tinh thần và giàu lòng về bác ái.
Vatican News
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|